Nhà thơ Anh G. By Ren đã từng nói :
“ Một giọt mực có thể làm vạn người suy nghĩ
Một cuốn sách hay có thể thay đổi số phận biết bao người”
Đúng vậy, có những quyển sách đã làm lay động bao những trái tim lầm lỡ trở lại với những con đường chính thiện. Có những quyển sách đã neo đậu trong tâm hồn mỗi chúng ta những cảm xúc khác nhau.
Và không ít người khi lật những trang cuối cùng của cuốn sách “Tuổi Thơ dữ dội” mà không rơi nước mắt, không nghẹn ngào cảm xúc về sự hy sinh của những cậu thiếu niên ở tuổi 13, 14. Hôm nay tôi muốn giới thiệu tới các bạn cuôn sách viết về tuổi thơ của các em Vệ Quốc Đoàn qua tác phẩm nổi tiếng “ Tuổi thơ dữ dội” của nhà văn Phùng Quán.
Tuổi Thơ dữ dội - Một tác phẩm truyện dài bảy phần gần 800 trang sách của nhà văn Phùng Quán, được NXB Văn học biên tập và giới thiệu năm 2011. Truyện được khởi thảo bên bờ Hồ Tây năm 1968 và hoàn thành trong lều cỏ giữa hồ Tịnh Tâm năm 1986. Cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và sự hy sinh của những thiếu niên tuổi 13, 14 trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân.
Có thể nói đây là một tác phẩm vô cùng chân thực và xúc động về một thế hệ trẻ anh hùng. một câu chuyện hay cảm động, cuốn hút người đọc bởi cốt truyện khi thì ly kỳ hấp dẫn, khi thì thấm đẫm nước mắt.
Cuốn truyện xoay quanh cuộc chiến đấu và hy sinh của những thiếu niên trong hàng ngũ của đội thiếu niên trinh sát Trần Cao Vân. Những Lượm, Mừng, Quỳnh Sơn Ca,Hòa Đen, Bồng da rắn, Vịnh sưa, Tư dát…..
Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều chung quyết tâm, nhiệt huyết và lòng yêu nước, tham gia chiến đấu hết mình và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Không chỉ là một cuốn tiểu thuyết mang tính giải trí mà giá trị nổi bật nhất của cuốn tiểu thuyết này là giá trị nhân văn sâu sắc.
Đó là chuyện kể về những năm tháng kháng chiến chống pháp ở mặt trận Huế, cả một thế hệ tuổi thơ với những thiếu niên anh hùng, họ sống, chiến đấu và hy sinh.
Đúng như cái tên của truyện, độc giả sẽ bắt gặp ở đó những chi tiết thực sự dữ dội về cuộc đời thiếu niên bất hạnh về cuộc chiến chống giặc tàn khốc nhưng ẩn sâu bên trong ta vẫn thấy những tâm hồn trong sáng và vô tư, thấy sự can trường và dũng cảm tới phi thường của những trrinh sát ở lứa trăng tròn.
Như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có những nhận xét tinh tế cuốn sách: “… Có một viên ngọc quý thời gian dành riêng để ban tặng con người, đó là Tuổi thơ. Viên ngọc màu nhiệm, trong sáng nhưng quá mong manh, không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời. Và có một thế hệ người Việt chưa bao giờ được cầm viên ngọc trên tay, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được viết cho thế hệ đó. Hãy đọc để nhớ lại, để tự hào, và để cầu nguyện cho những Tuổi thơ sắp ra đời…”
Có rất nhiều những mảnh đời khác nhau được tập hợp lại trong đội Thiếu niên Trinh sát ấy, đọc để vui vẻ, đọc để hồi hộp, ám ảnh và bật khóc bởi mỗi dòng mỗi trang truyện.
Vâng, tôi muốn kể với bạn nghe về những em vệ quốc đoàn dũng cảm, tôi muốn kể với bạn nghe tấm lòng hiếu thảo của em Mừng và tình đồng đội son sắt thủy chung. Đọc cuốn sách ấy tôi chưa bao giờ nghĩ rằng các em chỉ mới 13, 14 tuổi... Nhưng năm tháng sống và chiến đấu ở mặt trận đã làm cho các em già đi trong suy nghĩ nhiều lắm, có lẽ còn già hơn với cả cái tuổi hai mươi mấy của tôi.
Tôi tin rằng một người dù cứng rắn đến đâu, cũng sẽ mềm lòng khi đọc cuốn sách ấy, bởi nó quá cảm động, bởi nó làm cho con người ta không muốn khóc cũng phải tràn mi... những giọt nước mắt ấy được nhỏ ra một cách hoàn toàn xứng đáng.
Trong mỗi chúng ta, ai cũng có những tuổi thơ của riêng mình. Người may mắn thì có tuổi thơ bình yên, người ít may mắn hơn thì có một tuổi thơ sóng gió. Tôi và bạn đã có một tuổi thơ dưới cái nôi của hòa bình. Những với những người chiến sĩ niên thiếu kia, tuổi thơ của các em đầy dữ dội…
trong thời kì thực dân Pháp xâm lược lần thứ 2 tạị Huế.
Xuyên suôt câu chuyện là cái cách viết văn đặc giọng Huế của tác giả, cũng là người miền Trung nên nhiều lúc tôi cũng phì cười với cách miêu tả của tác giả. Và rồi sau đó là bắt đầu những giọt nước mắt.
Lật dở, lật dở những trang đầu tiên của cuốn sách, đập vào mắt tôi là dòng chữ: "Đi tìm thuốc cho mẹ", tôi đã thấy xúc động đến vô cùng, không cầm nổi nước mắt. tôi đọc...tôi đoc..và nước mắt cứ rơi…
Tôi khóc khi Vịnh sưa bị bọn giắc bắn chết và treo thân thể em lên, nhưng em đã chết một cách vinh quang khi em trèo lên cột thu lôi để bắn tín hiệu cho đồng đội ở trạm quan sát, để rồi khi đọc những lời Đại đội trưởng nói về em: "Đứa em trai thân yêu, người đồng đội nhỏ tuổi của chúng ta tuy đă hy sinh nhưng hiện vẫn còn đứng sừng sững trên đầu bọn giặc nước! Em đứng để làm chuẩn cho các đồng chí bắn trúng, và để nhìn chúng ta chiến đấu", Vịnh sưa, chú bé thợ máy, mơ ước lớn lên được làm một người công nhân cơ khí như người bác của mình, Cậu bé hi sinh trên nền lửa bom đạn dữ dội, trần truồng vì mảnh quần của mình đã bị tháo ra để dùng làm cờ hiệu, cái chết đầy anh dũng và khốc liệt.
Tôi khóc khi tiếng hát của Quỳnh sơn ca bật lên giữa chiến trường, khi em quyết định không trở về với gia đình mà ở lại chiến trường... và em đã mãi mãi nằm lại nơi đó, trong nỗi tiếc thương và bao đau đớn của đồng đội.
Quỳnh, chú bé sơn ca của cả đội, cuộc đời cũng rất ly kỳ, là con trai duy nhất của một quan lớn.Cậu bé từ bé đã có tâm hồn đa cảm, nhạy cảm và có thiên phú về âm nhạc, được cả nhà cưng chiều vì là con trai duy nhất lại là con út, nhưng đồng thời lại rất cam đảm và gan dạ. Xúc động biết bao giữa tình bạn của Quỳnh và Mừng, hai đứa trẻ có số phận trái ngược hoàn toàn, một được sinh ra trong gia đình giàu có và một là đứa con không cha lại nghèo rớt mùng tơi, nhưng tâm hồn trẻ thơ và lòng yêu nước trung thành đã xích chúng lại gần nhau, chơi với nhau, sống cùng nhau, và chiến đấu cùng nhau, lúc nào cũng nghĩ đến nhau. Xúc động và ám ảnh nhất là cái chết của Quỳnh, chết trên chiến khu vì điều kiện thiếu thốn không thể chữa lành bệnh, nhưng nguyên nhân trực tiếp lại là suy tim vì không cách nào chuộc tội được cho người cha Việt gian của mình. Không thể quên được những câu trong bài hát mà chú viết được cả chiến khu cùng hát:
“Sông Ô Lâu đôi bờ trắng tóc lau
Hát lời thề kháng chiến đến bạc đầu”.
Câu chuyện của Lượm có lẽ là câu chuyện hồi hộp và thú vị nhất, cũng là có hậu nhất trong tiểu thuyết, vì cậu bé sau này vẫn lớn lên, vẫn còn sống để cầm súng chiến đấu. Tôi khóc và thương phục trước tấm lòng của cậu bé Lượm trong những ngày em ngồi tù, người đã cứu Thúi, cứu Lép sẹo, người đã làm những điều mà đồng đội của em không dám làm, em đã biến thù hận thành yêu thương.Lượm và Thúi bị giam trong nhà tù thực dân, tìm cách tồn tại và liên lạc, đoàn kết với các bạn tù chính trị khác, đấu tranh với “thế lực đối nghịch” trong tù là băng đảng du côn của Lép sẹo, cuối cùng là tìm cách vượt ngục. Từng trang từng trang đều đầy ắp sự hấp dẫn, hồi hộp và mình không còn cách nào hơn là khâm phục sự thông minh, mưu trí và cũng táo bạo cam đảm vô cùng mới có thể làm được những việc đó của Lượm.
Cuối cùng là câu chuyện đau thương nhất, câu chuyện về Mừng, cậu bé nhỏ tuổi trong đội, ngây thơ trong sáng nhất nhưng lại có cái chết bi thương đau đớn ám ảnh mãi trong tôi.
Tôi đã không ghìm nổi giọt nước mắt của mình khi Mừng bị nghi oan, vừa giận vừa thương em, chỉ vì em còn ngây thơ quá, em không có cặp mắt tinh đời như Bồng, để rồi em đã bị Kim điệu - một người đồng đội phản bội một cách trắng trợn.Mẹ em gồng gánh tiếp tế cho chiến khu bị bao vây, chỉ mong mỏi duy nhất là được gặp lại đứa con của mình, trong khi Mừng lại bị nghi oan là gián điệp. Cái chết đau đớn của người mẹ khiến Mừng đau đớn vô cùng, khi mẹ em nói “nếu biết con lại Việt gian thì mẹ thà không gặp còn hơn”. Mừng đã gào to tức tưởi: “Con không phải Việt gian đâu mạ” , nhưng mạ em đã chết mất rồi. Ngay cả khi trước lúc hy sinh, trên đài liên lạc sau khi thông báo về trận địa địch để ban chỉ huy nổ mìn, phút cuối cùng của cuộc đời, em nói một câu cuối của đời mình: “Anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí.” Đọc xong câu văn đó, không ai có thể kìm được những giọt nước mắt ngậm ngùi. Thật quá ám ảnh và đau thương.
Tôi không phải là một nhà phê bình văn học, mà ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ cùng với bạn những dòng cảm xúc của tôi khi đọc xong cuốn sách này. Tôi chợt nhận ra rằng đâu phải ai yêu cách mạng cũng nhận ra cuốn sách này hay, mà ngay cả như tôi cũng nhận ra được nhiều điều quý báu. Cuốn sách ấy đã cho tôi một bài học thật bổ ích, cho tôi biết sống, biết nghĩ và biết hành động một cách sâu sắc hơn.
Đọc xong cuốn sách, ta cảm thấy thế hệ đó quả thực quá dữ dội và khốc liệt, đúng như cái tên: Tuổi thơ dữ dội. Đọc để thấy chúng ta có được tuổi thơ hạnh phúc như thế nào, và biết được sự hòa bình trong hiện tại là quá quý giá và đã được trả giá đắt như thế nào, đọc để thêm phần dũng cảm và yêu quê hương, đất nước.
Gấp cuốn sách lại mà những hình ảnh các em Vệ Quốc Đoàn vẫn sống mãi trong tôi. Tôi tưởng tượng ra từng gương mặt bé nhỏ của các em, tôi tưởng tượng ra một tuổi thơ đầy dữ dội và tôi đã đặt cho mình một câu hỏi: "Tôi có làm được như các em ấy hay không?". Một câu hỏi mà có lẽ sẽ còn đeo bám tôi suốt chặng đường dài còn lại. Và có lẽ suốt cuộc đời này luôn đau đáu bên tôi. Tôi cùng với các bạn và mọi người hãy phát huy tinh thần của các em Vệ Quốc Đoàn để góp phần xây dựng một đất nước chúng ta ngày càng giàu mạnh hơn.